Mở quán cà phê thì lựa chọn mặt bằng nào là hợp lý?

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Linh, Quản lý đầu tư Seedcom, tại hội thảo Đột phá trong bán lẻ ngày 26/11 tại TP HCM.

Ông Duy Linh chia sẻ những bí quyết xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ, mở quán cà phê bởi ông đã từng có những kinh nghiệm thực tế trong việc góp phần xây dựng chuỗi cửa hàng của Thế giới Di động, Big C, trong đó có việc chọn mặt bằng bán lẻ.

Theo ông Linh, việc đầu tiên cần xác định mô hình kinh doanh. Mô hình khác nhau thì sẽ có nhu cầu mặt bằng khác nhau. Chẳng hạn, mô hình cafe Milano thì chỉ cần mặt bằng khoảng 30 m2 nhưng Coffee House thì lại phải rộng hơn, khoảng 150 m2 (12 m mặt tiền) với giá khoảng 150 triệu đến 200 triệu/tháng.

Tùy theo chiến lược phát triển của công ty để có thể chọn địa điểm mở cửa hàng. Chẳng hạn như chiến lược của công ty có phù hợp mở ở quận Phú Nhuận không. Trong quận Phú Nhuận, có thể mở cửa hàng ở con đường nào…

Tiếp đó là việc chọn mặt bằng để nhiều người nhìn thấy và dễ tiếp cận nhất.

Theo kinh nghiệm mà ông Linh tổng kết được, các mặt bằng nằm ở vị trí đầu con hẻm, chu vi ngoài đường cong, vươn ra ngoài hoặc vươn lên cao sẽ giúp mọi người dễ quan sát thấy.

Mở Quán Cà Phê Thì Lựa Chọn Mặt Bằng Nào Là Hợp Lý? 3

Ngoài ra, các yếu tố như cửa hàng nằm trên trục được chính hay có yếu tố làm giảm tốc độ di chuyển sẽ là điểm cộng đối với một mặt bằng để mở cửa hàng bán lẻ. Lý do vì, xe máy là phương tiện chủ yếu tham gia giao thông ở Việt Nam. Nếu người tham gia giao thông giảm tốc, họ sẽ có thời gian để quan sát và phát hiện ra cửa hàng.

Mở Quán Cà Phê Thì Lựa Chọn Mặt Bằng Nào Là Hợp Lý? 4

Nếu đặt cửa hàng ở các vị trí có yếu tố cản trở như người tham gia giao thông phải sang đường hoặc phải đi vài trăm mét nữa mới sang được đường thì rất khó tiếp cận. Thông thường, họ sẽ đi thẳng luôn mà không sang đường để ghé cửa hàng nữa. Hoặc cây ở phía trước cửa hàng cản trở tầm nhìn đến cửa hàng sẽ là yếu tố bất lợi.

Nếu điểm bán đặt ở ngã ba,ngã tư thì sẽ là điểm cộng, bởi người tham gia giao thông vừa dễ nhìn thấy, vừa dễ tiến về phía cửa hàng.

Sau khi đã kiếm được mặt bằng rồi thì việc tìm chủ nhà của mặt bằng. Việc tìm kiếm chủ nhân ở các thành phố lớn đôi khi không đơn giản bởi ở thành phố, hàng xóm có khi không biết nhà bên cạnh. Chủ nhà có thể đang ở nước ngoài hoặc ở một nơi khác và đang cho thuê mặt bằng đó.

Ông Linh đặt ra câu hỏi nếu địa điểm mà người tìm ưng nhưng đang cho thuê thì sao? Ông Linh mách rằng nếu bạn gửi thông điệp đến chủ nhà kiểu như: Chúng tôi sẽ thuê điểm đó với giá 50 triệu/tháng trong khi họ đang cho thuê với giá khoảng 40 triệu thì có thể họ không phản hồi bởi sự chênh lệch có thể không nhiều.

Tuy nhiên, nếu bạn nói về hợp đồng cho thuê nhà hơn gần tỷ thì có thể sẽ gợi sự tò mò. Bạn có thể tính ra: mỗi tháng 50 triệu đồng, 1 năm sẽ là 600 triệu, 3 năm sẽ là 1,8 tỷ. Con số có khả năng khiến chủ nhà tìm hiểu và có phản hồi.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ